Những buổi chiều im lặng

Những buổi chiều im lặng

Hè năm ấy, tôi gặp nó.
Nó xuất hiện trước mắt tôi lén lút, rụt rè và đen nhẻm giữa đám cỏ tơ xanh rì, hệt một chú thỏ con xấu xí. Nó chỉ đứng yên ở đấy, sau bức tường gạch cũ kĩ phủ đầy rêu và gần như bị lấp hẳn bởi lớp cây dại, nhìn tôi với ánh mắt tò mò. Tôi nhoẻn miệng cười, ngoắc nó lại rồi xê người đi, chừa ra một chỗ giữa mình và khung cửa nhỏ.
_Vào đây!
Vậy là tôi với nó quen nhau.
Tôi không hỏi tên nó, mặc dầu từ ngày mới gặp mặt, nó đã luôn mồm gọi “chị Hoài”. Đơn giản vì tôi biết mình sẽ chẳng ở đây lâu. Chỉ một tháng thôi. Nếu không vì hơn chục năm rồi chưa trở lại thì cái vùng quê bé nhỏ, buồn tẻ này chẳng thể giữ chân tôi đến hai ngày. Tôi không hỏi tên nó. Nó rồi cũng sẽ qua đi như một cơn gió thoảng và biến mất giữa một biển những con người tôi đã gặp hàng ngày. Tôi thay cái tên bằng những từ dùng để gọi cộc lốc như “ê” hay “này”. Như vậy quen hơn.
Mặc cho thái độ khách sáo và sự hờ hững của tôi, nó dường như thích tôi lắm. Nó dành phần lớn thời gian không phải ăn và ngủ để lang thang sang nhà bà tôi. Vì thế nên mới có những buổi chiều mang tên Im Lặng, của tôi, và của nó.
Vườn nhà bà tôi nhỏ, nhưng um tùm cây và cỏ dại. Bao quanh không phải bờ giậu như những nhà khác mà là tường gạch. Bức tường thấp, bên góc khuất còn có một mảng bị đổ, trầu ông, trầu bà cứ thế bò tràn ra ngoài. Cái nhà xây cho người ở mà cây lại chiếm hầu hết diện tích. Bà tôi già, cứ thỉnh thoảng đi ra đi vào, mệt lại lên chõng nằm nghỉ. Không gian, thời gian bên ngoài bị chặn lại sau bức tường đổ. Cái không khí im ắng, chậm chạp này dường như thuộc về riêng tôi, và nó, và cỏ dại mọc lút tầm mắt, và những câu trao đổi rời rạc. Chúng tôi cứ thế ngồi bên nhau, ngắm chiều đậm sắc dần dần nướng sạm mấy viên gạch đỏ. Nó bứt bứt nắm cỏ. Tôi gọt quả cho nó ăn. Im Lặng.
quiet winter afternoon Những buổi chiều im lặng

Tôi tính thời gian đến ngày trở về thành phố. Phút đối với tôi là giờ. Giờ đối với tôi là ngày. Còn ngày đối với tôi, có lẽ là cả thế kỉ. Tôi nhớ thành phố, nhớ những trò vui của tôi, nhớ những quyển sách đang đọc và nhớ cái laptop đã bị bố bắt bỏ lại hôm soạn hành lý trước ngày lên máy bay. Tôi chán nữa…

Nó lại đến. Một trong những buổi chiều mà Im Lặng như là một luật chơi cố hữu. Nhưng lần này nó muốn phá bỏ cái luật ấy. Nó kéo nhẹ tay tôi, chạy. Tôi lóc cóc theo nó ra tận ngoài đồng, leo lên bờ đê. Bầu trời ngả màu vàng úa. Gió lùa vào mái tóc dài của tôi và mớ tóc rối nùi của nó, ào xuống cánh đồng bao la, rồi từ đó chạy ra đến tận chân trời. Lạnh run người. Tôi cứ bước một cách gấp gáp theo cái dáng bé nhỏ liêu xiêu vì gió ấy cho đến khi nó đột ngột dừng lại, bắt đầu chạy nhanh xuống dốc.
_Chị Hoài! Chị Hoài! _ thấy tôi có vẻ lưỡng lự, nó gọi to.
Rồi, nó chui nhanh vào một cái bụi đầy cỏ may và cúc dại, ôm ra chiếc lồng nhỏ. Trong lồng là một con bọ khoang trắng nâu, loại thường thấy trong các phòng thí nghiệm.
_Ở đâu ra thế? _ tôi hỏi.
Nó mở lồng, bắt con vật ra vuốt ve, vẻ thích thú lắm. Một lúc sau, đợi tôi đã ngồi xuống và tham gia trò chơi ấy của mình, nó mới rụt rè đáp:
_Của chú Trực bán thú kiểng trên thị xã đấy.
_Em ăn cắp à? _ tôi hoảng hồn.
_Không… _ nó đỏ mặt nhìn xuống, chân di di nắm đất bên cạnh lồng _ em chỉ mựợn chú ấy chơi, ai ngờ hôm chú ấy đi thì lại chưa kịp mang trả.
Nó lại im lặng.
Tôi biết, nó nói dối. Nhưng tôi không hỏi gì thêm.
Chúng tôi, hai đứa con gái gầy gò lặng lẽ, vẫn ngồi bên nhau như thế. Nhưng lần này, dưới bàn chân trần đung đưa nhè nhẹ là cúc dại mềm và ướt, còn tít ngoài xa là màu vàng lúa ngọt ngào cùng từng đợt gió lùa lồng lộng. Sắc chiều êm nhẹ hệt bộ lông rậm của bọ khoang…

Tôi nhớ thành phố. Nhớ đến không chịu được. Tôi gọi điện cho mẹ, nhưng mẹ chẳng bắt máy. Có lẽ đã đi công tác ở đâu rồi. Tôi gọi cho bố, nói tôi muốn về nhà. Bố mắng tôi chỉ ham những thứ vật chất phù phiếm mà quên mất quê hương. Nhưng bố ơi, từ ngày ra đi, đã lần nào bố trở về cái “quê hương” ấy?…

Tôi khóc.

Nó đến đúng vào lúc tôi đang khóc ngon lành bên chiếc điện thoại, tay cầm theo con cào cào lá tre hứa gấp cho tôi lần trước. Vốn đã quen, nó không rụt rè đứng ngoài như ngày xưa nữa mà mạnh dạn vào thẳng trong sân.
_Chị Hoài ơi! _ tiếng nó trong veo.
Nhưng bỗng dưng tôi ghét. Tôi thấy ghét nó kinh khủng, ghét cái làng buồn tẻ này đã gắn tôi với nó, bên những buổi chiều lê thê tựa hàng vạn năm. Tôi không muốn như vậy nữa.
_Đi về đi! _ tôi gắt.
Có tiếng chân chạy lịch bịch. Nó đi rồi. Tôi ngồi lại một mình. Khóc nhiều hơn.
Tôi không biết nhà nó. Tôi chẳng bao giờ hỏi, với cùng một lí do tương tự như việc không hỏi tên. Thế nên, khi nó không rở lại nữa, tôi cũng chẳng có cách nào để đi tìm. Rồi tôi nghĩ đến con bọ.
Bờ đê buổi chiều buồn và vắng, chỉ có tôi, cánh đồng và cúc dại nhuốm màu nắng úa vàng. Cái bụi cỏ may vẫn còn đó. Chiếc lồng tre vẫn còn đó. Nhưng cửa lồng đã gãy. Không có con bọ. Tôi thẫn thờ trở về, bỗng dưng lại muốn khóc.
quiet sunday afternoon Những buổi chiều im lặng

Tôi biết tôi ghét nơi này. Ghét lắm. Tôi ghét cái cách mọi người cứ chen vào cuộc sống của nhau, ghét cái cách họ xét nét, nói xấu về nhau, ghét việc làm gì cũng bị nhòm ngó, đi đâu cũng có người hỏi xem phải cháu ông này, bà kia không…
Nhưng khi còn ở thành phố, có lần tôi bị ngã xe, xung quanh bao nhiêu là người, chẳng ai giúp. Còn ở vùng quê này, lúc tôi trựợt chân lăn xuống bờ ruộng, ai ở gần đó cũng lao ngay đến, và tôi bỗng thấy ấm áp vô cũng.

Nhưng tôi vẫn tự nhủ với bản thân rẳng tôi ghét. Tôi nghĩ tôi hiểu cái gì mới là tốt nhất cho mình…

Cuối cùng, bố cũng chịu mua vé máy bay cho tôi trở về. Ngày nhận vé gửi đến, tôi chẳng cảm thấy vui. Tôi vẫn ngồi, bên khung cửa nhỏ, như những ngày đầu. Không có nó. Trong nhà, bà tôi nằm trên võng đu đưa, hỏi han vài ba câu. Tôi biết bà buồn. Tôi đi rồi, khoảng trống nơi cửa mỗi buổi chiều sẽ chỉ có nắng chiếu vào. Bà nằm trong góc khuất, căn nhà tựa không người. Tiếng nhạc xưa rè rè, nhẹ nhàng phát ra từ chiếc radio cũ ở đầu giường. Không gian trải ra nơi khoảng vườn im lặng, thanh bình đến nhói lòng…
Bà lên thành phố với con nha. Bà sẽ chẳng bao giờ rời bỏ ngôi nhà do cha ông để lại, nên dù có muốn, tôi cũng đâu thể nào nói mấy câu này. Tôi sợ nghe tiếng thở dài xa xăm, sợ những câu chuyện về kỷ niệm xưa cũ mà bà đã kể không biết bao nhiêu lần. Tôi chỉ ngồi sắp xếp đồ đạc và quần áo cho vào va-li, rồi gục đầu lên đó, nhắm mắt, tưởng như mình đã ngủ rồi, mặc cho gian nhà dần dần tối lại và gió lạnh của buổi đêm cứ ào ạt tràn vào…

Chiếc taxi bốn chỗ đỗ xịch ngay trước bức tường đổ. Hàng xóm xung quanh giúp tôi mang hành lý ra. Hầu như ai cũng đến tiễn, dù đêm trước bà đã dẫn tôi đi chào tạm biệt khắp thôn một lần. Tôi nhìn bà, nhìn chiếc xe sẽ chở mình ra sân bay, nước mắt cứ thế tuôn ra, lăn dài trên má. Bà xoa nhẹ đầu tôi, giọng run run:
_Đi đi con.
Cửa kiếng từ từ kéo lên, tiếng điều hòa đều đều dần thay thế cho sự ồn ào của đám đông bên ngoài. Tôi lấy khăn lau nước trên mặt.
_ Đi đâu em?
_Cho em ra sân bay nội địa.
Xe từ từ lăn bánh. Cảnh vật phía sau mờ dần qua lớp bụi đỏ.
Bỗng, như một ảo ảnh hiện ra từ trí tưởng tượng, tôi trông thấy nó.
Nó đứng sau bức tường đã xanh màu rêu và cỏ non, trên tay vẫn là con cào cào chưa kịp tặng. Nó nhìn tôi, đôi mắt tĩnh lặng, rồi đột ngột vụt chạy theo xe, kêu lớn cái gì đó. Câu nói bị lớp cửa kiếng chặn lại, tôi không cách nào nghe được. Trong một thoáng rất nhanh, tôi muốn kéo cửa sổ xuống và nắm thật chặt lấy bàn tay đang đưa ra của nó, nhưng tất cả những gì tôi làm chỉ là lặng lẽ quay đi.
Qua kính chiếu hậu, tôi thấy nó đã dừng lại. Ánh mắt cuối cùng nó dành cho tôi khiến tôi chợt bàng hoàng nhận ra chính mình mới là người sẽ bị lãng quên mãi mãi. Trong cái giây phút chia tay ấy, tôi đâu biết mình đã vĩnh viễn rời xa những khoảnh khắc êm đềm đứng trên bờ mà nhìn dòng chảy lạnh lùng của thời gian. Nó muốn đưa tay ra để níu giữ tôi lại, nhưng tôi quay mặt đi, mặc cho mình bị cuốn vào biển người cuồn cuộn, và tự quên mất bản thân…
 
---------------------------------------------------------------------------------------thanh Navigation (2 mục) ---------------------------------------------------------------------------------------thanh Navigation (2 mục)